Cuốn sách này cung cấp câu trả lời xác đáng cho câu hỏi: Chúng ta nên tiếp cận và hiểu một đô thị như thế nào trong khung cảnh lịch sử và các tương tác ở cấp độ toàn cầu? Thành phố hay thị trấn hiện đại không chỉ đơn giản là nơi cư trú, dân cư đông đúc, có hệ thống hạ tầng dịch vụ tiên tiến, kết nối với vùng ngoại ô và các đô thị khác. Đô thị còn là một kiểu phân biệt không gian-xã hội theo bản sắc giới, sắc tộc, giai cấp, nơi cộng hưởng của môi trường tự nhiên và môi trường được kiến tạo, nơi được quản lý và quản trị, nơi mà tính hiện đại trở thành yếu tố bao trùm và chi phối. Trong công trình dẫn luận này, sử gia Shane Ewen còn cho chúng ta thấy những lịch sử đa dạng của ‘tư tưởng tính nữ đích thực’, của hệ thống dịch vụ công cộng, của người đồng tính, của các trào lưu kiến trúc, của quyền lực chính trị được hòa quyện vào nhau trong không gian được định danh là đô thị. Lịch sử đô thị do đó, vẫn là một lĩnh vực liên ngành hấp dẫn với nhiều khoảng trống cần được lấp đầy bởi những nghiên cứu trường hợp mới mẻ, cách tiếp cận so sánh và phương pháp của dòng lịch sử xuyên quốc gia.
Hiện là Giáo sư ngành Lịch sử đô thị tại Đại học Leeds Beckett, Anh Quốc. Ông cũng đảm đương vai trò Giám đốc Hiệp hội Lịch sử đô thị Anh Quốc và là đại diện của Anh Quốc trong Hiệp hội Lịch sử Đô thị châu Âu. Ngoài ra, ông cũng đồng chủ trì dự án Forged by Fire nghiên cứu mối quan hệ giữa tai nạn bỏng với bản sắc xã hội và văn hóa ở Anh Quốc trong vòng 200 năm trở lại đây. Mối quan tâm nghiên cứu của Ewen tập trung vào lịch sử đô thị xuyên quốc gia, lịch sử môi trường đô thị, quản trị thành phố… Đến nay, Shane Ewen đã công bố tổng cộng 11 bài báo, 3 cuốn sách và tham gia viết chung 4 cuốn sách khác.
Góc phố ở khu trung tâm của thủ đô Vienna đầu thế kỷ XX
Thông qua quá trình cải tạo đô thị ở nhiều nước châu Âu từ giữa thế kỷ XIX, diện mạo của nhiều thành phố thủ đô như Vienna đã biến đổi hoàn toàn. Đại lộ thênh thang, thẳng tắp, bên đường có trồng những hàng cây bao quanh bởi những ngôi nhà được trang hoàng lộng lẫy, đặc sắc, cùng với những quán cà phê, nhà hát, phòng hòa nhạc, đài tưởng niệm. Khu trung tâm thành phố trở thành địa điểm hưởng thụ của giai cấp tư sản, nơi người giàu thăm thú và ngắm nghía, nơi cung cấp không gian “hào hoa và phù phiếm” cho giới thượng lưu.
(Trang 192)
Khan Bahadur Muncherji Cowasji Murzban (1839 – 1917)
Ông là một kỹ sư xây dựng người Parsi sống tại Bombay thời thuộc địa. Được đào tạo bài bản tại Trường Kỹ thuật của Chính quyền Anh tại Ấn Độ, đồng thời là thành viên của hai Viện nghiên cứu hàng đầu về Kỹ sư và Kiến trúc của Anh Quốc, ông là linh hồn của toàn bộ câu chuyện về đô thị Bombay hiện đại. Murzban biểu trưng cho sự lai ghép hài hòa giữa truyền thống bản địa Ấn Độ với khoa học kỹ thuật phương Tây.
(Trang 218-219)
Một flâneur – người thích lang thang, vẩn vơ trên khắp đường phố
Một chủ thể bậc cao của tính hiện đại, một người đàn ông (hoặc phụ nữ) có thể tự do ra vào và quan sát mọi lĩnh vực của đời sống đô thị. Từ một thuật ngữ văn chương, các nhà nghiên cứu đã biến nó thành một thuật ngữ xã hội học và tâm lý học, đặc trưng cho trạng thái buồn chán, uể oải, nhàn rỗi, mất tập trung vốn xuất phát từ đời sống công nghiệp hiện đại. Đa số những “kẻ lang thang, lãng du” kiểu này được giới sử học mô tả gần giống với các văn nghệ sĩ hoặc cây bút, dạo bước vô định trên đường phố để lấy cảm hứng cho bài viết gửi tòa soạn hoặc tiểu thuyết. Dostoevsky là một người như thế khi ông viết về Saint Petersburg.
(Trang 223-225)
Phân biệt vai trò của nam và nữ trong không gian gia đình
Yếu tố cốt lõi trong lối sống trung lưu ở vùng ngoại ô Anh Quốc thế kỷ XIX là tư tưởng “tính nữ đích thực” và “phân biệt vị thế về giới”. Theo đó, nữ giới trung lưu có bốn phẩm chất cơ bản là đức hạnh, trinh tiết, sự phục tùng và ý thức về vai trò trong công việc gia đình. Họ có bổn phận đạo đức phải giữ gìn nề nếp gia đình, chăm sóc con cái và nội trợ. Trong khi đàn ông tập trung vào công việc công cộng như chính trị, thương mại hay chiến tranh. Những người đàn ông đóng vai trò chủ yếu trong quá trình tạo dựng không gian vùng ngoại ô đã tán thành và hậu thuẫn cho quan điểm về quy phạm dành cho nữ giới. Họ xem đó là cách để bảo vệ chính gia đình của mình khỏi hiểm nguy từ đời sống đô thị.
(Trang 86-87)
New Woman – phong trào Phụ nữ kiểu mới
Phong trào New Woman đồng thời là một tư tưởng nữ quyền xuất hiện khá sớm từ cuối thế kỷ XIX, ảnh hưởng sâu sắc tới cả thế kỷ XX. Nó cổ vũ nữ giới ăn mặc thoải mái và sử dụng xe đạp như là cách để tham gia vào thế giới nam quyền rộng lớn và năng động hơn. New Woman đại diện cho một tầng lớp nữ giới mới, đủ độc lập để rèn luyện một cuộc sống không phụ thuộc vào nam giới. Đa phần họ sống ở thành phố, thị trấn, có học thức, có sự nghiệp độc lập và tích cực ủng hộ phái nữ trong việc đòi quyền tự do.
(Trang 288)
Khu dân cư Park Hill ở Sheffield, Anh Quốc
Đại diện cho phong cách kiến trúc New Brutalist với hàng loạt khối bê tông lộ thiên ghép với nhau với mật độ cao, các khu dân cư kiểu mới như Park Hill hay Hulme Crescent có hành lang thông với nhau, chiều rộng đủ cho một xe chở sữa ba bánh đi vừa. Ý tưởng này thường được biết đến với cái tên rất kêu “streets in the sky”. Mục đích của những người thiết kế là tái tạo không gian mà con trẻ có thể thoải mái vui đùa giữa bầu không khí thoáng đãng trong khi mẹ chúng có thể tán gẫu vui vẻ.
(Trang 214)
Thành phố cũng là không gian của những người đồng tính
Như George Chauncey lập luận, các không gian công cộng – công viên, bãi biển, nhà tắm – rất quan trọng với người đồng tính nam. Họ muốn tìm kiếm các mối quan hệ đồng giới nên thường cố tránh sự soi mói từ gia đình và hàng xóm… Họ dùng các “chiến thuật nghi binh” khác nhau để có thể tự do di chuyển ở nơi công cộng, các mã tín hiệu tiểu văn hóa liên quan đến đồng giới như cái nhìn liếc nhanh về phía sau, cái nhìn đắm đuối và các thực hành tiếp xúc ban đầu có vẻ rất thông thường khác…
(Trang 229)
Người nghèo trong khu ổ chuột ở Mumbai
Một nghiên cứu ước tính rằng khoảng 15 triệu hộ gia đình ở Ấn Độ không có nhà vệ sinh và phải đi vệ sinh ở ngoài trời. Nữ giới phải đi vệ sinh và tắm rửa vào buổi tối trong những khu vực lân cận hoặc bãi rác khiến họ có nguy cơ gặp nguy hiểm. Theo WaterAid, đã có không ít trường hợp trẻ em nữ bị hãm hiếp khi đang sử dụng nhà vệ sinh. Nhiều nữ giới kiêng ăn uống vào ban ngày để hạn chế phải đại tiểu tiện ngoài trời, cách làm cực đoan này đã dẫn đến chứng khó tiêu, đau dạ dày, chán ăn và các nguy cơ sức khỏe có liên quan.
(Trang 108)
Một favela ở Rio de Janeiro, Brazil
Hơn một nửa trong số 2000 đường phố mang đậm nét Carioca bản địa của Rio de Janeiro vẫn chưa được trải nhựa vào đầu thập niên 1960 trong khi vỉa hè được xem là thứ xa xỉ chưa từng được biết đến tại các favela tồi tàn vùng ngoại ô… Phụ nữ trong các favela bị buộc phải tham gia các mạng lưới xã hội bất hợp pháp dưới ảnh hưởng của nhiều băng đảng bảo kê ở địa phương để có thể tiếp cận và mua được dịch vụ. Một số tiếng nói đòi quyền cho phụ nữ tiếp tục len lỏi trong văn hóa đại chúng ở favela, vượt lên trên định kiến giới…
(Trang 110 và 217)
Cung cấp một khuôn khổ biên niên đối với sự phát triển của lịch sử đô thị kể từ đầu thế kỷ XX, và trình bày những ảnh hưởng cốt yếu về mặt sử chí trong lĩnh vực này.
Xem xét mối quan hệ giữa không gian và bản sắc xã hội thông qua lăng kính của sự phân biệt về nơi cư trú, một trong những đối tượng phong phú nhất trong lĩnh vực lịch sử đô thị.
Theo dõi sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với việc quản trị cộng đồng xã hội đô thị, thiết lập các ảnh hưởng về mặt lý thuyết đối với lĩnh vực này trên phạm vi rộng lớn, đặc biệt là từ thời điểm những năm 1980.
Chủ đề lịch sử môi trường sẽ được thảo luận trong Chương 4, cụ thể đi sâu vào ý nghĩa của cách tiếp cận đô thị trong việc nghiên cứu mối liên hệ giữa thiên nhiên, vật chất và sự thành tạo môi trường.
Xem xét tác động của bước ngoặt văn hóa đối với nền văn hóa đô thị, đặc biệt thông qua một cuộc khảo sát các tài liệu phong phú về tính hiện đại của đô thị.
Thảo luận về ảnh hưởng sơ khai của những cách thức tiếp cận xuyên quốc gia đối với lịch sử đô thị, từ đó hướng tới những thành quả trong việc theo dõi cách các diễn ngôn lịch sử đô thị được liên kết trong một mạng lưới toàn cầu và không bị giới hạn bởi các đường biên của quốc gia-dân tộc.
“[Cuốn sách] cực kỳ đáng đọc. Thực sự ở tầm vóc quốc tế, cuốn sách này là một dẫn luận cần thiết trong lĩnh vực lịch sử đô thị, đề xuất hướng nghiên cứu về các vấn đề vốn thu hút sự tham gia của nhiều sử gia trong nhiều thế kỷ. Chắc chắn nó sẽ nhận được sự hoan nghênh từ cả giới sử học lẫn công chúng”.
“Đây là một công trình nghiên cứu có phạm vi bao quát rộng, đề cập tới lịch sử đô thị trong bối cảnh của Anh Quốc cũng như châu Âu. Nó cung cấp thông tin chi tiết, với những ý tưởng, cách tiếp cận và giải thích đầy ưu tư; đồng thời nó cũng cho chúng ta thấy cái cách mà lịch sử đô thị mở đường cho nhiều lĩnh vực sử học khác, được minh họa nhờ vào cách tiếp cận lịch sử xuyên quốc gia”.
Hơn cả một dẫn luận học thuật đơn thuần, điều thú vị là cuốn sách này đã nắm bắt sự phát triển năng động của lĩnh vực lịch sử đô thị. Cái nhìn sắc sảo của Ewen về yếu tố văn hóa và các thể chế đại diện đi liền với dữ liệu thống kê và trải nghiệm sinh hoạt phong phú tại các đô thị đã làm nổi bật bản chất nhân văn của những thành phố. Với nhiều nghiên cứu trường hợp và phương pháp đặc thù, cuốn sách này là một công trình đáng giá đối với không chỉ nhà nghiên cứu mới vào nghề mà cả những người dày dặn kinh nghiệm.
Số 31 Ngõ 150 Hoàng Công Chất,
Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
pr@iper.org.vn
0907.974.400
iper.org.vn
Tặng 01 cuốn "Lịch sử của sách" cho đơn hàng từ 10-19 cuốn.
Giảm 30% giá bìa cho đơn hàng từ 20 cuốn trở lên.
thế kỷ XIX với tư cách một thành phố công nghiệp và hải cảng hàng đầu. Cũng trong thời gian này, một nhóm tinh hoa nổi lên và bắt đầu kiểm soát toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, giáo dục của thành phố, họ được biết đến với tên gọi Boston Brahmins, nổi bật trong số đó là gia tộc Kennedy. Boston tiếp tục nắm giữ vị thế đại đô thị hiện đại điển hình cho lối sống Mỹ cổ điển cho tới ngày hôm nay.
Thành phố Boston được những di dân người Anh thành lập khoảng năm 1630 rất nhanh đã phát triển thành một trung tâm tài chính, thương mại, tôn giáo, giáo dục và chính trị của vùng New England, Bắc Mỹ. Boston xác lập dấu ấn của mình trong cuộc Chiến tranh cách mạng Mỹ với sự kiện “Bữa tiệc trà Boston” năm 1773, châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa các thuộc địa Bắc Mỹ với mẫu quốc Anh. Đô thị này sau đó được tái thiết và hưng thịnh nhanh chóng kể từ đầu
Paris từng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng trong nửa sau của thế kỷ XIX, dẫn đến sự phân chia không gian ngày càng gia tăng giữa các tầng lớp tinh hoa sung túc, sống trong các căn hộ rộng rãi ở phía Tây thủ đô, trong các quận nội thành (tiếng Pháp gọi là arrondissement) với tiền thuê nhà cao, còn người nhập cư nghèo từ những vùng quê sống ở các quận phía Đông và các quận ngoại thành cực kỳ đông đúc. Nỗ lực tái thiết khu trung tâm thành phố Paris của Nam tước Georges Eugène Haussmann trong những năm 1850 và 1860 đã khiến cho khoảng 350.000 người phải di dời,
và đỉnh điểm là việc hình thành các khu ổ chuột xung quanh vùng ngoại ô của thành phố. Tuy nhiên, việc phá bỏ các khu dân cư thời Trung cổ, mở rộng đại lộ, công viên, quảng trường, đài phun nước mới, xây mới hệ thống cấp thoát nước, sáp nhập vùng ngoại ô… đã góp phần tạo nên diện mạo của khu trung tâm thủ đô Paris ngày nay.
Moscow hay Moskva hầu như không có vị thế chính trị đáng kể cho tới thế kỷ XX, khi chính quyền của Lenin di chuyển thủ đô từ Peterograd về đây. Trong suốt thời gian trước đó, Moscow phát triển chậm chạp, dân cư thậm chí giảm sút mạnh sau khi Sa hoàng Peter Đại đế chọn Saint Petersburg làm thủ đô của đế quốc Nga từ năm 1712. Trận hỏa hoạn khủng khiếp năm 1812 đã ngăn chặn đường tiến công của quân đội Napoleon vào sâu nội địa Nga nhưng cũng thiêu rụi 80% diện tích thành phố này.
Từ năm 1830 thành phố bắt đầu được cải tạo, nhiều công trình công cộng được xây dựng như cung điện, nhà ga, đại lộ mới. Tuy vậy, hoàng gia Nga chỉ sinh hoạt ở khu vực nằm ngoài Moscow chứ không vào thành phố.
Được thành lập vào năm 1703 bởi Sa hoàng Peter Đại đế, Saint Petersburg là một thành phố có tầm nhìn hướng về thế giới phương Tây ngay từ buổi ban đầu. Với dân số gần 1,5 triệu người vào năm 1900 và hơn 2 triệu người vào đêm trước của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Saint Petersburg đã liên tục được cải tạo nhằm duy trì thứ được gọi là “sức mạnh của sự hấp dẫn” (hay pritiagatel’no znachenie притягательное значение trong tiếng Nga) của chính thành phố này trong việc thu hút những làn sóng cư dân mới. Người ta từng ví Saint Petesburg là “Venice của phương Bắc” vì sự lộng lẫy, xa hoa và đông đúc của nó.
Khi Cairo bị quân nổi dậy đốt phá vào tháng Một năm 1952, hàng trăm công trình như quá bar, rạp chiếu phim, nhà hàng, cửa hàng bách hóa đã bị thiêu rụi với mục đích chấm dứt nền quân chủ nghị viện của nhà Ali thống trị Ai Cập từ năm 1922. Đó là cái giá rất đắt mà người dân Cairo phải chịu đựng khi đối diện với tính hiện đại cực đoan.
Trước khi Cairo trở thành một phần của đế chế Anh, nó mang đậm phong cách cổ kính của một thành phố Hồi giáo thuộc đế chế Ottoman. Thành phố hơn 1000 năm tuổi nằm bên bờ sông Nile đã trải qua vô số thăng trầm lịch sử của chiến tranh, cách mạng, xung đột tôn giáo, các phong trào xã hội. Nằm trên cửa ngõ của ba châu lục Phi – Âu – Á, Cairo liên tục giữ vai trò trung tâm thương mại, chính trị và quân sự của Bắc Phi. Từ năm 1830, Cairo bắt đầu được cải tạo theo phong cách của châu Âu, đặc biệt là Pháp, hình thành nên khu vực trung tâm mới của thành phố bên cạnh khu vực kiến trúc thời Trung cổ.